Vào thời điểm thời tiết diễn biến rất phức tạp và thay đổi, đặc biệt là trong giai đoạn giao mùa, với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều như hiện nay sẽ khiến vật nuôi không kịp thích nghi nên rất dễ bị nhiễm các bệnh lý liên quan. Mùa mưa lớn và kéo dài sẽ là nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên gia cầm, điển hình như: bệnh tụ huyết trùng, Newcastle, Gumboro và Cầu trùng ở gà. Chính vì vậy để phòng và điều trị hiệu quả, người chăn nuôi cần có những phương pháp và kiến thức phòng bệnh hợp lý.
Hầu hết người chăn nuôi đều có thói quen khi gà bị dịch bệnh chết thường vứt xác xuống sông, kênh rạch… với thói quen này sẽ làm lây lan dịch bệnh ra diện rộng. Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gà trong thời điểm chuyển mùa, người dân cần thực hiện tốt các phương pháp an toàn sinh học mà chúng tôi đề cập dưới đây nhé!
Mục Lục
Lựa chọn con giống tại cơ sở tin cậy
Nên mua giống ở những cơ sở uy tín, tin cậy, an toàn dịch bệnh. Chỉ chọn những con gà khỏe mạnh, mắt sáng lông bông, bụng mềm… nếu mua ở các tỉnh khác thì cần có giấy chứng nhận kiểm dịch của thú y. Gà mới mua về phải nuôi cách ly ở khu vực riêng từ 2 – 3 tuần. Nếu không có biểu hiện của bệnh mới cho nhập vào khu chăn nuôi.
Chuồng trại và thiết bị chăn nuôi khô ráo
Khu vực chăn nuôi phải được rào kín, cần giữ cho chuồng trại luôn khô ráo, thông thoáng, đủ ánh sáng, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông và che chắn mưa tạt, gió lùa. Thường xuyên quét dọn, khử trùng chuồng nuôi, thay chất lót chuồng, vệ sinh máng ăn, máng uống … Sau mỗi đợt nuôi phải tổng vệ sinh và khử trùng tiêu độc chuồng trại, vườn thả. Sau đó để trống chuồng ít nhất 15 ngày trước khi nuôi lứa mới. Có thể áp dụng kiểu nuôi trên nền đệm lót sinh học vừa chăn nuôi an toàn sinh học vừa tiết kiệm chi phí.
Thức ăn và nước uống đầy đủ dinh dưỡng
Dự trữ thức ăn đa dạng và đầy đủ là việc làm cần thiết giúp đảm bảo dinh dưỡng cho đàn gà mùa mưa. Thức ăn dự trữ cần bảo quản ở những nơi khô ráo để tránh ẩm mốc. Tuyệt đối không cho vật nuôi ăn thức ăn tinh đã bị nấm mốc. Đồng thời, thức ăn luôn thơm ngon, đủ dinh dưỡng cho mỗi loại gà theo từng giai đoạn phát triển. Không cho gà ăn thức ăn không rõ nguồn gốc hoặc đã quá hạn sử dụng.
Quản lý và theo dõi sức khỏe tốt
Thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của đàn gà nhất là giai đoạn úm gà con. Luôn đảm bảo đủ nhiệt, đủ ánh sáng. Hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi. Ngăn ngừa không để động vật khác hoặc động vật hoang dã tiếp xúc với gà. Khi gà bị bệnh cần nuôi cách ly tách ra khỏi đàn để chẩn đoán và chữa trị. Gà đã khỏi bệnh sau khi điều trị có thể nhập lại đàn.
Phương pháp phòng bệnh và công tác thú y
Ngoài việc thực hiện nghiêm túc quy trình vệ sinh phòng bệnh cho đàn gà đối với các khâu đã nêu trên. Người chăn nuôi lưu ý xử lý phân, rác và chất thải trong chăn nuôi. Khi thấy gà chết bất thường phải báo ngay cho cán bộ thú y. Cần tiêm phòng đầy đủ các bệnh cho gà.
Thường xuyên kiểm tra đàn gia cầm, đặc biệt phát hiện sớm những bất thường trên đàn vật nuôi. Như uể oải, ủ rũ, kém ăn, tình trạng sức khoẻ đàn gia cầm. Cách ly kịp thời những vật nuôi có biểu hiện khác thường. Khi nghi ngờ gia cầm mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, phải báo ngay cho thú y viên hoặc khuyến nông viên cơ sở để có biện pháp can thiệp kịp thời. Tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh. Khi có gia cầm ốm, chết phải đào hố, chôn sâu và rắc vôi bột, tuyệt đối không giết mổ, vận chuyển, bán chạy, vứt xác chết bừa bãi ra môi trường xung quanh.