Việc đổi mô hình chăn nuôi luôn đi kèm với những rủi ro nhất định. Song, đây là cơ hội lớn để bà con nuôi trồng thủy sản thay đổi những điểm hạn chế không còn phù hợp của những phương pháp truyền thống sang một giải pháp mới tốt hơn nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cũng như tiết kiệm nhiều công sức hơn. Trường hợp thay đổi địa điểm nuôi tôm sang bể xi măng là một ví dụ rất đáng học hỏi.
Cách làm này giúp người dân kiểm soát lượng thức ăn tốt hơn do giảm được sự lãng phí ra bên ngoài nguồn nước. Đồng thời, các yếu tố về môi trường như tảo hay mần bệnh cũng dễ dàng được khắc phục bằng các chế phẩm sinh học. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết hơn về mô hình trang trại nuôi tôm trong bể xi măng qua bài viết dưới đây.
Mục Lục
Mô hình nuôi tôm trong bể xi măng
Nếu so với các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng truyền thống thì nuôi tôm trong bể xi măng áp dụng công nghệ cao là mô hình tương đối mới lạ với nhiều bà con. Song, trên thực tế từ lâu đã được nhiều bà con “mạo hiểm” thử nghiệm và mang lại thành công lớn cho vụ nuôi.
Lão Nông tại Nghệ An mạo hiểm đầu tư hơn 1 tỷ đồng
Đó là lão nông Hoàng Xuân Tin (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Ông đã mạo hiểm đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây bể bằng bê tông để nuôi tôm công nghệ cao: bể nuôi rộng 40m2, chiều cao vách hơn 1m. Thả tôm giống (sau khi ương 20 ngày) với mật độ từ 220-250 con/m2. Trung bình mỗi bể ông thả khoảng 10.000 con tôm thẻ giống. Trong các bể đều được lắp hệ thống máy sục khí, hệ thống cấp thoát nước ra ngoài riêng biệt. Ngoài ra, ông còn đầu tư lợp tôn để che mát cho tôm. Đây được xem là mô hình nuôi tôm trong bể xi măng đầu tiên trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Theo ông Tin chia sẻ: “…với mô hình này, người nuôi có thể dễ dàng kiểm soát lượng thức ăn cho tôm. Tránh bị dư thừa lãng phí ra bên ngoài gây ô nhiễm nguồn nước; hạn chế dịch bệnh lây lan trong môi trường nước; mầm bệnh và tảo độc được kiểm soát dễ dàng bằng chế phẩm sinh học. Bên cạnh đó, việc quản lý ao nuôi cũng như duy trì ổn định các yếu tố môi trường như: nhiệt độ, pH,… Cũng được thực hiện dễ dàng. Vào mùa nắng nóng, nhiệt độ trong ao vẫn được đảm bảo nên tôm nuôi không bị sốc nhiệt…”.
Nông dân ở miền Tây thành công 3 vụ nuôi tôm liên tiếp
Một tấm gương tiếp theo mà chúng tôi muốn nhắc đến đó là ông Nguyễn Văn Thảo – một nông dân ở miền Tây đã có 3 vụ nuôi tôm thành công liên tiếp với mô hình nuôi tôm trong bể xi măng. Trước đây, ông Thảo cũng nuôi tôm theo mô hình truyền thống nhưng không thành công. Sau 2-3 vụ nuôi thất bại, vô tình tìm hiểu được cách nuôi mới nên ông quyết tâm thử nghiệm mô hình nuôi tôm trong bể xi măng. Và ông cũng đã thành công như mơ ước.
Trường hợp nuôi thử nghiệm tại tỉnh Nam Định
Nguyễn Văn Cường (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đã xây 6 bể xi măng, diện tích mỗi bể là 25m2 để nuôi ương giống, khi tôm thẻ chân trắng đạt kích cỡ lớn anh mới chuyển xuống ao nuôi để tôm tăng trưởng nhanh.
Anh nuôi thử nghiệm ở 6 bể nhỏ với mật độ 100 con/m2. Và thả một ít xuống ao để làm đối chứng. So sánh giữa 2 phương thức anh nhận thấy bể tôm chậm lớn hơn ở dưới ao. Nhưng độ an toàn cao hơn, không hao hụt. Vậy nên tổng kết chung vẫn cho thu nhập tốt hơn. Vì vậy anh quyết định chọn phương thức nuôi trên bể. Anh đãđầu tư san lấp ao và xây thêm bể xi măng.
Ưu điểm của mô hình nuôi tôm trong bể xi măng

- Mô hình nuôi tôm trong bể xi măng phản ánh rõ trình độ kỹ thuật nuôi tôm của bà con đã ngày càng thành thạo.
- Dễ dàng hơn trong việc chăm sóc tôm nuôi và quản lý bể nuôi trong suốt mùa vụ. Giảm thiểu tối đa dịch bệnh lây lan trong nguồn nước; quản lý thức ăn cho tôm hiệu quả; dễ dàng ổn định các yếu tố môi trường và kiểm soát dịch bệnh trong suốt vụ nuôi.
- Điều quan trọng nhất là mô hình nuôi này đạt tỉ lệ thành công đến 95%. Đồng thời mở ra một hướng đi mới trong ngành nuôi tôm của nước ta, góp phần cải thiện năng suất vụ nuôi.
Cho đến nay, mô hình nuôi tôm trong bể xi măng vẫn được nhiều hộ nuôi áp dụng và đạt được hiệu quả cao. Đây là mô hình cho kết quả tốt và có thể nhân rộng trong thời gian tới.