Ban đầu, anh nông dân Nguyễn Văn Long tại xã Chính Mỹ (Thủy Nguyên – Hải Phòng) chọn nuôi lợn. Nhưng “bão giá” kèm theo cả sự bấp bênh của nghề đã khiến anh Long bỏ cuộc để chuyển sang nuôi gà. Rút kinh nghiệm, lần khởi nghiệp thứ hai này, anh Long chuẩn bị sẵn sàng bằng hệ thống chuồng nuôi vô cùng thông minh và độc đáo. Trại nuôi gà được anh Long bố trí ở xa khu dân cư, trên 1 khu đất cao ráo, xung quanh có trồng cây ăn quả, vừa tạo tiểu vùng không khí thoáng mát và phù hợp cho chăn nuôi.
Mục Lục
Chuồng gà thông minh tại Hải Phòng
Vì xác định đầu tư nuôi lâu dài nên công trình được anh Long xây dựng kiên cố bằng tường gạch, nền xi đúc măng, mái lợp bằng tấm phibro, chắn nắng bằng hệ thống bạt, chống nóng mùa hè, chống lạnh mùa đông.
Xung quanh chuồng có hệ thống rào lưới rất chắc chắn. Chuồng rộng 150m2 thoáng đãng, giấu phần lớn cột. Lối vào có hố vôi hoặc thuốc sát trùng. Hệ thống máng ăn treo chỉ cần 1 người vận hành có thể nâng lên rất cao cho thoáng sau giờ gà ăn và hạ xuống khi đến bữa ăn của 1.000 con gà, bằng hệ thống ròng rọc với tay quay kiểu tay lái tàu.
Hệ thống máng uống cho gà
Đến giờ cho ăn thì tất cả bầy gà tập trung ăn đồng loạt, ăn xong treo máng lên trần. Đây là điểm rất sáng tạo của anh Long, giúp cho thức ăn không bị lẫn với chất thải hay rơi vãi. Vừa tiết kiệm thức ăn, vừa tránh nguy cơ bệnh đường tiêu hóa cho đàn gà. Nhờ sử dụng hệ thống ròng rọc nên chỉ cần 1 người cũng có thể vận hành cho khoảng 1.000 con gà ăn mà không mất nhiều thời gian.
Hệ thống máng uống gà của anh Long cũng khá lạ, ngay cả những người am tường hệ thống uống gà cũng phải ngạc nhiên. Hai dãy ống tuýp cố định, chạy dọc sàn gữa chuồng, một đầu nối với hệ thống cấp nước, đầu còn lại thoát ra hố phân hủy.
Anh Long cùng thợ nề dùng thước thủy livo khi gắn 30 thau uống chồi lên với chiều cao bằng ức gà. Phía trên có chụp then sắt, gà chỉ có thể đưa đầu vào uống.
Chiếc chụp đó có hình nón, ngăn không cho gà đậu lên. Nước sạch sẽ được đưa vào các thau cho gà uống thường xuyên, mỗi buổi thay nước một lần.
Khi cho gà uống thuốc, đậy nắp ở trong đáy chậu, cho vào thau mức nước thuốc vừa phải – gà có thể uống hết, sẽ không lãng phí hay tồn dư thuốc ảnh hưởng an toàn thực phẩm.
Cấp nước chỉ trong một hệ thống
Anh Long cho biết: “Máng phân bố đều khắp chuồng, sẵn có nước ở khắp nơi để uống, gà không phải đi xa, chen chúc. Khi súc rửa máng uống chỉ xả nước thừa, bơm đầy, cọ rửa rồi quay van xả nước ở cuối ống tuýp. Cùng lúc dùng nước áp lực thục rửa thổi bay cặn. Làm một, hai lần là sạch bong, nhưng nền chuồng vẫn đảm bảo khô”.
Người làm vệ sinh, cấp nước chỉ trong một hệ thống, thao tác dễ dàng; nhanh chóng kết thúc mỗi lần làm việc. Hệ thống nước uống gà này do anh Long sáng tạo. Và chắc chắn thời điểm này không “đụng hàng” cả trong và ngoài nước.
Hệ thống đèn điện trên trần được lắp đủ sáng
Hệ thống đèn điện trên trần được lắp đủ sáng, phân bổ đều ở khắp các khu vực chuồng nuôi. Mỗi bóng có lưới bảo vệ, tránh việc lỡ rơi xuống nền chuồng. Giữ an toàn cho người và vật nuôi. Những chiếc camera nối với máy tính cũng đã được lắp đặt nhằm quản lý sức khỏe từng con. Để can thiệp kịp thời trong suốt quá trình nuôi.
Trại có một nhà kho, tường vách cửa nẻo kín đáo để chứa; dự trữ thức ăn cho 1.000 con gà được sắp xếp gọn gàng, cân đong chính xác, chuột bọ không thể “tơ hào”. Theo anh Long, với mô hình chăn nuôi gà thương phẩm 1.000 đầu gà, anh bỏ ra số vốn 200 triệu đồng. Dự trù chi phí chăn nuôi 1.000 con gà thương phẩm cũng được anh tính toán rất chi tiết từ giống, thức ăn, thuốc thú y, vacxin đến điện; nước, khấu hao chuồng trại thiết bị chăn nuôi và chi trả nhân công…
Máng ăn và máng uống nước được bố trí đều khắp khu chuồng nuôi
Sau 6 tháng nuôi, đàn gà của anh Long tăng trưởng khá tốt, đạt mức trọng lượng trung bình 1,5kg/con. Hiện anh Long đang sửa sang lại khu chuồng nuôi lợn. Để tiếp tục mở rộng quy mô đàn gà. Với sự trợ giúp của các chuyên gia, các cán bộ khuyến nông; anh Long tin tưởng rằng lần khởi nghiệp thứ 2 này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế tối ưu.
Anh chia sẻ: “Rút kinh nghiệm từ lần nuôi lợn, lần này tôi quyết tâm đầu tư bài bản ngay từ đầu. Đặc biệt là hệ thống chuồng nuôi hiện đại và tiện ích, giúp tiết kiệm nhân lực. Bên cạnh đó, tôi tuân thủ nghiêm các quy trình kỹ thuật nuôi để hạn chế mức thấp nhất những rủi ro, thiệt hại”.