Mô hình nuôi cua đinh tại xã Phong Thạnh Tây B thuộc huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu do anh Đặng Long Hồ đầu tư đang nhận được rất nhiều sự chú ý. Được biết, lúc trước anh Hồ từng thử nghiệm nuôi cua trong bể xi-măng. Song, sau khi quan sát cua đinh kiểng được nuôi trong bể kính, anh quyết định đổi sang nuôi trong bể kính. Thay đổi này đã giúp anh quan sát được cua cũng như môi trường nước, dễ vệ sinh và tiết kiệm diện tích. Từ đó giúp cho cua đinh được nuôi ít nhiễm bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Mục Lục
Tại sao nhiều người bắt đầu nuôi cua đinh?
Cua đinh với ngoại hình tương đối giống với loài ba ba, do vậy rất nhiều người thường nhầm lẫn. Mặc dù cùng họ với ba ba, nhưng cua đinh có những đặc tính sinh trưởng khác nhau. Do có giá trị thương mại cao nên chúng được rất nhiều người tìm hiểu & xây dựng mô hình nuôi.

Hiện nay, cua đinh là loài động vật hoang dã dễ nuôi, mau lớn, hiệu quả kinh tế cao. Các món ăn chế biến từ thịt cua Đinh khá phổ biến trong các nhà hàng và còn xuất hiện trong các dịp họp mặt gia đình như lễ tết, tiệc tùng, cúng giỗ… Nhằm cúng kiếng, thết đãi người than, bạn bè, khách quý. Qua đó, dễ nhận thấy nuôi cua đinh là nghề có nhiều triển vọng trước mắt cũng như lâu dài. Hiện, đây đang là loài thủy sản giúp nhiều người dân vươn lên làm giàu hiệu quả.
Mô hình nuôi cua đinh trong bể kính
Năm 2014, anh Hồ đầu tư nuôi 500 con cua đinh thử nghiệm trong 10 bể xi-măng. Những ngày đầu, anh phải tự mày mò nghiên cứu qua Internet và không ngại thất bại. Anh Hồ cho biết: “Cơ duyên để chuyển nuôi cua đinh từ bể xi-măng sang bể kính chỉ là tình cờ. Cách đây khoảng 2 năm, sau khi quan sát con cua đinh kiểng nuôi trong bể kính, tôi nảy ra ý tưởng nuôi cua đinh thương phẩm bằng loại bể này. Ban đầu, tôi chỉ nuôi thử 50 con để rút kinh nghiệm. Thấy cua phát triển tốt nên tôi quyết định đầu tư nuôi với quy mô lớn”.
Ưu điểm của việc nuôi cua trong bể kính

Để mô hình đạt hiệu quả, sau khi nuôi cua đinh ngoài ao đất khoảng 4 tháng thì đưa cua vào trong bể kính nuôi tiếp. Cua đinh nuôi trong bể kính không chỉ tiết kiệm được diện tích, dễ quan sát, kiểm soát được môi trường nước; mà cua rất ít nhiễm bệnh, tỷ lệ đạt đầu ra cao.
Thu nhập sau khi áp dụng mô hình
Nguồn thức ăn cho cua đinh là cá rô phi hoặc các loại cá tạp có tại địa phương. Mỗi ngày cho cua đinh ăn một lần vào buổi chiều tối. Sau 18 – 24 tháng nuôi, cua đinh đạt trọng lượng từ 2,5kg trở lên. Với giá 450.000 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí, mỗi con cua đinh cho lãi khoảng 600.000 – 700.000 đồng. Từ mô hình này, mỗi năm anh Hồ thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Bao gồm bán cua đinh thương phẩm và bán con giống.
Tham quan mô hình nuôi cua đinh trong bể kính, ông Phạm Thanh Hải – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, đánh giá: “Đây là mô hình sản xuất hiện đại mang lại hiệu quả kinh tế cao, cần được nhân rộng trong thời gian tới…”.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết của chúng tôi.