Gà ri là một giống gà phổ biến ở nước ta với cái tên gà ta vàng. Giống gà này có thể chịu được điều kiện nuôi khắc nghiệt, nhưng lại cho ra năng suất thịt và trứng chất lượng hơn các giống khác. Thịt gà ri được nhận xét là thơm ngon, mềm và chắc, do đó, nó được dùng chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Nuôi gà ri mang lại nhiều lợi ích cho người nuôi từ lợi ích kinh tế đến thời gian chăm sóc. Cách chuẩn bị để nuôi giống gà này cũng không quá phức tạp. Hãy cùng mục chăm sóc gà thịt tìm hiểu thêm về cách nuôi giống gà này nhé!
Mục Lục
Thông tin về giống gà ri
Gà ri là giống gà nội đã có từ rất lâu đời tại nước ta, phổ biến nhất là ở miền Bắc và Trung. Giống gà này được nuôi để lấy cả trứng lẫn thịt. Tuy nhiên, nuôi lấy thịt thì chiếm ưu thế hơn, vì thịt gà ri rất thơm, ngon và được nhiều người ưa chuộng.
Gà ri có 2 loại là: gà ri hoa mơ và gà ri vàng rơm. Gà ri hoa mơ có mào cờ, màu da vàng, màu lông chủ yếu có màu hoa mơ. Gà ri vàng rơm có 2 loại: gà ri vàng rơm sinh sản và gà ri vàng rơm lấy thịt. Cả hai loại đều dễ nuôi, sức đề kháng cao, cần cù chịu khó kiếm ăn, nuôi con khéo
Chuẩn bị nuôi gà ri
Chọn gà giống
- Có nguồn gốc rõ ràng, đàn gà giống bố mẹ phải sạch bệnh
- Bộ lông có màu vàng bông đặc trưng
- Dáng đi nhanh nhẹn, mỏ khép kín, chân bóng, bụng thon, rốn kín
Chuẩn bị chuồng trại
Để xây chuồng nuôi gà ri, bạn cần chọn khu đất cao ráo, có độ dốc vừa phải, thoáng mát. Chuồng nên xây theo hướng Đông hoặc Đông Nam, để hứng được nắng sáng và tránh được nắng chiều.
Nếu bạn nuôi gà trong chuồng hoàn toàn, nên chú ý mật độ nuôi thích hợp. Mật độ thường là 8 con/m2 nếu nuôi gà thịt trên sàn; 10 con/m2 nếu nuôi gà thịt trên nền. Nếu bạn nuôi gà thả vườn, thì chuồng gà là nơi để tránh mưa nắng và ngủ đêm; mật độ vườn thả gà đủ là ít nhất 1 con/m2.
Sàn chuồng gà nên được làm bằng lưới hoặc tre thưa; cách mặt đất 0,5 m để thông thoáng, khô ráo, dễ dọn vệ sinh. Rào chắn xung quanh vườn làm bằng lưới sắt; lưới nilon; tre hoặc gỗ;… tùy điều kiện chăn nuôi của từng hộ gia đình và trang trại. Khi thời tiết khô ráo thì bạn nên thả gà ra sân, vườn chơi, còn buổi tối cho gà về chuồng. Như vậy sẽ đảm bảo gà được vận động, thịt cũng săn chắc hơn.
Úm gà
Gà ri con mới đem về cần được úm từ 10 – 14 ngày để cơ thể cứng cáp, khỏe mạnh. Do vậy, sau khi xong chuồng trại, người nuôi cần chuẩn bị thêm vật dụng trước úm gà, như:
- Bố trí chuồng nuôi; quay úm; chụp sưởi ấm; máng ăn; máng uống;…, tất cả phải được khử trùng trước khi sử dụng từ 5-7 ngày.
- Chất độn chuồng: vỏ trấu, dăm bào sạch; lót lớp dày 5-10 cm được phun sát trùng khi sử dụng
- Đảm bảo thông thoáng không khí trong chuồng nuôi
- Tiêm chủng vacxin LASOTA lúc gà 1 ngày tuổi, lặp lại lúc 12 và 28 ngày tuổi
Khi đón gà về, bạn nên để gà uống nước trước sau đó 24h mới cho gà ăn. Sáng bổ sung thêm cho gà ri con B-complex, men visinh; chiều cho gà uống kháng sinh (có thành phần ampicillin hoặc amoxicillin…). Bạn phải bổ sung theo lịch như vậy 3 ngày liên tiếp (men vi sinh cách ngày cho uống 1 lần). Bạn phải luôn bật đèn sưởi ấm quây úm trước khi bắt gà thả vào chuồng; đồng thời, bổ sung điện giải cho gà ngay khi bắt gà về chuồng, và thêm vitamin C nếu trời nóng.
Lưu ý theo từng ngày tuổi khi nuôi gà ri
- Từ 1 – 7 ngày tuổi: mật độ 30-40 con/m2; cường độ chiếu sáng 5W/m2; nhiệt độ 28-32 độ; độ ẩm 65%; lượng thức ăn tiêu tốn 6-10 gam/con; thời gian chiếu sáng 17-22h/ngày.
- Từ 8 – 28 ngày tuổi: mật độ 25-30 con/m2; cường độ chiếu sáng 5W/m2; nhiệt độ 25-28 độ; độ ẩm 65%; lượng thức ăn tiêu tốn 15-20 gam/con; thời gian chiếu sáng 8-14h/ngày.
- Từ >28 ngày tuổi: mật độ <20 con/m2; cường độ chiếu sáng 3W/m2; nhiệt độ 22-25 độ; độ ẩm 65%; tùy theo khả năng ăn của gà; dùng ánh sáng tự nhiên.
Tiêm phòng cho gà
- Phòng các bệnh Newcastle, Gumboro, đậu gà theo lịch tiêm phòng vacxin
- Phòng cầu trùng: ngày thứ 11-14 và 21-24
- Phòng hen vào: ngày thứ 2-4 và ngày thứ 24-28