Vịt là một giống thủy cầm được chăn nuôi rộng rãi ở Việt Nam, đặc điểm khi chăn nuôi vịt là tìm nguồn thức ăn phù hợp để vịt lớn nhanh. Để chăn nuôi vịt đem lại hiệu quả ngoài việc chọn vịt có giống tốt bà con chăn nuôi cần phải đặc biệt chú ý đến các kinh nghiệm chăn nuôi và những biện pháp phòng trị bệnh cho vịt, sau đây chúng tôi xin giới thiệu đến với bà con các kỹ thuật chăm sóc đàn vịt con được chia theo các giai đoạn tương ứng với một số ngày tuổi của vịt.
Mục Lục
Công tác chuẩn bị trước khi nuôi vịt con
Một số công việc bạn cần làm để chuẩn bị cho việc nuôi vịt con như sau:
– Bạn cần phải thực hiện vệ sinh và khử trùng chuồng nuôi vịt con trước khi nuôi vịt 7 ngày.
– Tùy theo số lượng con vịt con bạn dự tính nuôi là bao nhiêu thì bạn phải chuẩn bị chuồng với diện tích tương ứng để đảm bảo vịt con có đủ không gian phát triển.
– Chuồng nuôi vịt phải đảm bảo thoáng mát, ấm áp vào mùa đông và thoáng đãng vào mùa hè.
– Đặc biệt, trước khi đưa vịt con vào chuồng để nuôi thì bạn phải tiến hành sưởi ấm chuồng trước để vịt con dễ thích nghi với môi trường sống mới.
– Bạn cần đảm bảo các con vịt con có được nhiệt độ và độ ẩm trong chuồng phù hợp. Không quá nóng nhưng cũng không quá lạnh. Nhiệt độ tiêu chuẩn khi bắt đầu nuôi là từ 28-32 độ C. Và độ ấm ban đầu khi nuôi vịt con là 60-70%.
4 giai đoạn quan trọng khi nuôi vịt con
Vịt con từ 1 – 3 ngày tuổi
Ngày đầu có thể cho vịt tập ăn bằng bột bắp hoặc tấm. Cho vịt uống nước có pha Vime C Electrolyte, B.complex C, Vimevit Electrolyte. Nhu cầu về nước uống của vịt từ 1 – 7 ngày tuổi là 120 ml/con/ngày. Từ ngày thứ hai trở đi có thể sử dụng thức ăn hỗn hợp dùng cho vịt con.
Có thể phòng bệnh dịch tả cho vịt lúc 3 ngày tuổi. Tuy nhiên những nghiên cứu gần đây cho thấy việc phòng bệnh sớm có đáp ứng miễn dịch thấp. Và có thể gây trung hòa kháng thể do mẹ truyền (ở vịt mẹ có tiêm phòng vacxin).
Vịt từ 4 – 10 ngày tuổi
Nếu nuôi vịt thịt có thể tập thêm cho vịt ăn những thức ăn như rau xanh trộn lẫn với cơm. Thức ăn bổ sung đạm: Bột cá lạt, phân tôm. Chú ý phân tôm có hàm lượng muối rất cao. Sử dụng quá nhiều trong khẩu phần vịt có thể ngộ độc muối. Những ngày đầu chỉ cho tắm 5 – 10 phút sau đó tăng dần lên. Và từ ngày thứ 10 trở đi cho vịt xuống nước tự do. Tiêm phòng vacxin dịch tả vịt đông khô TW2 lúc vịt 7 ngày tuổi.
Vịt từ 11 – 20 ngày tuổi
Nếu có điều kiện nên cho vịt ăn thức ăn hỗn hợp. Khi vịt được 15 ngày tuổi nên cho ăn hai lần. Kết hợp chăn thả ngoài đồng để cho vịt kiếm thêm thức ăn. Nếu cho vịt ăn đơn thuần là tấm, cám trong giai đoạn này cần bổ sung thêm chất đạm như tôm, cua, cá nhỏ, ốc, hến…
Ngày thứ 20 trở đi có thể tập cho vịt ăn lúa. Tiêm phòng vacxin phòng bệnh dịch tả vịt lần 2 lúc vịt 21 ngày tuổi. Sử dụng vacxin Kapevac hoặc dịch tả đông khô TW2 tiêm dưới da.
Vịt từ 30 – 80 ngày tuổi
Giai đoạn này những con vịt con hoàn toàn có thể tự kiếm mồi và ăn lúa. Thời gian này bạn có thể cho vịt con chạy đồng để tiết kiệm chi phí chăn nuôi. Đặc biệt là vào thời điểm mùa gặt xong thì nguồn thức ăn của vịt sẽ dồi dào hơn. Khi vịt ăn no sẽ lớn nhanh hơn. Cách nuôi vịt con này đang được áp dụng nhiều ở các vùng nông thôn. Khi bạn nuôi vịt con đến ngày tuổi thứ 80 thì đây là thời điểm thích hợp nhất để bán thịt.
Tiến hành vệ sinh phòng bệnh cho vịt
Vệ sinh thú y trong giai đoạn nuôi vịt con rất quan trọng. Trước khi thả vịt cần nạo vét sạch chất độn chuồng cũ, phun các thuốc khử trùng chuồng trại và dụng cụ như Vimekon (100gr Vimekon + 20 lít nước) hoặc Vime – Protex (1 lít Vime – Protex + 200 lít nước), sát trùng nước uống bằng Vime – Iodine (10ml Vime – Iodine + 20 lít nước).
Lưu ý: Trong thời gian úm vịt nên thường xuyên thay đổi chất độn chuồng hoặc rải thêm trấu hàng ngày, phun xịt thuốc sát trùng định kỳ 3 ngày/lần khi xung quanh có dịch bệnh và 7 – 10 ngày/ lần trong điều kiện bình thường.
Trên đây là một số chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc đàn vịt con rất mong quý bà con chăn nuôi đạt hiệu quả nâng cao năng suất và chất lượng đàn vịt bán được giá cao. Xin chào và hẹn gặp lại!