Bệnh Salmonmella là một căn bệnh có thể gây nguy hiểm cho một đàn gà. Đây là vi khuẩn thuộc họ đường ruột với nhiều biến chúng khác nhau. Khi gà bị nhiễm, chúng có thể bị bệnh thương hàn hoặc phó thương hàn, gây giảm năng suất và dẫn đến mất mạng. Việc phòng chống bệnh Salmonella trong đàn gà lớn thì quan trọng hơn là chữa bệnh. Điều này giúp giảm khả năng lây truyền bệnh trong đàn, và thậm chí là sự “tồn vong” của một đàn gà. Do đó, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thêm về khuẩn Salmonella và cách phòng chống nó lây nhiễm trong đàn gà nhé!
Mục Lục
Salmonella là bệnh gì?
Salmonella (thuộc họ vi khuẩn đường ruột Enterobacteriaceae), gồm hơn 2.400 biến chủng khác nhau (serotype). Salmonella gây bệnh trên gà có thể chia thành hai loại:
- Loại bệnh thứ nhất do các chủng không di động gây ra, gồm S. pullorum gây bệnh bạch lị trên gà con và S. gallinarum gây bệnh thương hàn gà
- Loại thứ hai do các chủng Salmonella di động – chủ yếu là S. Enteritidis và S. Typhimurium – gây ra bệnh phó thương hàn
Trong đó, bệnh thương hàn trên gà thuộc type bệnh nguy hiểm. Do tốc độ gây thiệt hại nhanh, lây lan nhanh; do vậy người chăn nuôi cần hiểu về bệnh và có phương án phòng bệnh sớm, hiệu quả. Bệnh do Samonella có thể lây lan thông qua cả hai phương thức: truyền dọc (từ mẹ sang con); và truyền ngang (giữa các con gà trong đàn).
- Lây truyền dọc: vi khuẩn từ buồng trứng xâm nhập vào phôi hoặc từ lỗ huyệt lây lan qua vỏ trứng, rồi vào trong máy ấp trứng và truyền lây cho gà con.
- Lây truyền ngang: gà con mới nở trong máy ấp bị nhiễm bệnh và lan truyền bệnh cho gà con ấp cùng máy; hoặc gà bệnh hay gà sống sót sau bệnh trở thành vật mang trùng làm lây lan cho những con khác.
Phòng chống lây nhiễm Salmonella ở gà
Hệ thống cho ăn
Protein động vật thường bị nhiễm mầm bệnh cao hơn so với thức ăn từ thực vật. Vì vậy, người nuôi cần tránh sử dụng nguyên liệu này trong sản xuất thức ăn cho gà giống. Tuy nhiên, các nguyên liệu từ thực vật cũng có thể gây ra rủi ro đáng kể. Việc giảm Salmonella có thể được thực hiện bằng cách xử lý nhiệt; sử dụng phụ gia hóa học; hoặc kết hợp cả hai cách trên.
Chẳng hạn như: hệ thống silo, thiết bị xay xát thức ăn, phương tiện vận chuyển và phân phối thức ăn tại trang trại, cần được xử lý bằng các biện pháp hóa học một cách sạch sẽ. Ngoài ra, cần có sự tách biệt giữa các khu vực bẩn (nguyên liệu trước khi chế biến) và khu vực sạch (thức ăn đã được xử lý) trong nhà máy thức ăn công nghiệp hoặc khu vực chăn nuôi để tránh tái nhiễm thức ăn thành phẩm.
Hạn chế các loài gặm nhấm
Loài gặm nhấm thường là vật chủ trung gian lây bệnh Salmonella chính. Do đó, điều quan trọng là phải ngăn chặn sự xâm nhập của các loài gặm nhấm vào thức ăn, nước uống của gà. Bằng cách:
- Xây dựng các chuồng nuôi chống các loài gặm nhấm, như: cửa kim loại và sàn bê tông
- Loại bỏ các khu vực ẩn náu tiềm tàng trong và ngoài trại nuôi gia cầm
- Vứt bỏ những con gia cầm chết và thức ăn không sử dụng, hoặc cho thức ăn vào khay đúng giờ và đảm bảo
- Kiểm tra định kỳ, đặt mồi và bẫy các loài gặm nhấm; điều đặc biệt quan trọng là cần có nhân viên chú ý quản lý quy trình này
- Dọn dẹp chuồng trại và khử trùng thường xuyên
Kiểm soát nguồn nước
Nước uống có thể là một nguồn khác chứa khuẩn Salmonella và E.coli gây bệnh đường ruột. Nước cần được khử trùng bằng Clo (nồng độ 3 – 5 ppm); và các phương pháp vệ sinh nước khác. Đây là một biện pháp hiệu quả để giảm tiếp xúc với mầm bệnh và tăng năng suất của đàn. Độ pH nước (<6,5) có thể tăng cường hiệu quả của Clo và các chất khử trùng nước khác.
Khi độ ẩm tăng lên, sẽ thúc đẩy sự sống sót và lây truyền bệnh Salmonella. Vì vậy, cần có hệ thống thông gió thích hợp (bộ điều khiển điện tử) để giảm độ ẩm và mức độ khuẩn Salmonella trong môi trường chuồng nuôi.
Các cách khác
Tiêm vaccine đã được sử dụng một cách chiến lược để bảo vệ đàn gà thịt có nguy cơ và ngăn ngừa sự truyền dọc mầm bệnh. Vaccine Salmonella bất hoạt được xây dựng để chống lại các serotype cụ thể đã cho thấy lợi ích trên đàn gà giống và thế hệ con của nó.
Việc sử dụng axit hữu cơ, probiotic, prebiotic và dược phẩm cũng đã chứng minh trong việc thúc đẩy hệ vi sinh vật bình thường; đồng thời, ức chế sự xâm nhập của mầm bệnh vào đường ruột.