Để quyết định chất lượng của đàn gà, người nuôi cần phải chăm sóc ngay từ khi chúng mới sinh ra. Gà con khi mới chào đời thường còn rất yếu và dễ mắc bệnh; đôi khi còn nguy hiểm tới tính mạng. Do đó, người nuôi gà thường úm gà để giúp chúng có thời gian thích nghi và cứng cáp hơn. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, việc lòng đỏ chưa tiêu hết có thể làm ảnh hưởng tới sức khỏe của gà con. Tình trạng này sẽ khiến gà bị còi cọc và thậm chí mất mạng do nhiễm trùng. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thêm, cũng như nguyên nhân và biện pháp khắc phục khi lòng đỏ vẫn còn nhiều trong cơ thể gà con nhé!
Mục Lục
Thời gian và biểu hiện khi lòng đỏ chưa tiêu hết
Để tỷ lệ sống và khả năng sinh trưởng của gà con tăng cao, người nuôi gà thường áp dụng kỹ thuật úm gà. Đây là hình thức nuôi gà con trong quây/chuồng nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất giúp gà khỏe mạnh, phát triển và tiện chăm sóc nuôi dưỡng.
Tuy nhiên, trong thời gian úm gà, khoảng 3 ngày đầu, gà con có thể sẽ có các biểu hiện như: ủ rủ; chân và mỏ khô; bụng trương to; diều chứa đầy thức ăn; đi phân lỏng có màu khác thường; dần dần gà con chết. Ngoài ra, khi mổ những con gà này, bạn sẽ thấy trong khoang bụng chúng có chứa chất sền sệt, màu vàng xám. Đây có thể là do tình trạng lòng đỏ chưa tiêu hết, gây nhiễm trùng khoang bụng của gà con.
Nguyên nhân dẫn đến lòng đỏ chưa tiêu hết
Lòng đỏ là một trong những nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho gà từ lúc hình thành phôi cho đến sau khi nở 1-2 ngày; và tham gia vào việc hình thành sức đề kháng của gà con. Trong điều kiện bình thường và sức khoẻ của gà con tốt thì sau khi nở khoảng 2 ngày lòng đỏ sẽ được tiêu hóa hết. Tuy nhiên, cũng có khi lòng đỏ tồn tại nhiều ngày, gây hại đến sức khoẻ, và thậm chí là tính mạng của gà con. Theo kinh nghiệm, một số nguyên nhân sau đây làm cho lòng đỏ không tiêu:
- Chất lượng của đàn gà giống bố mẹ không tốt: dẫn đến con sinh ra thể trạng cũng yếu đi
- Kỹ thuật ấp trứng chưa tốt: làm cho trứng nở không đồng loạt. Những gà nở sớm hoặc nở muộn cũng có thể mắc phải hiện tượng này.
- Nhiệt độ úm trong những ngày đầu không đủ để sưởi ấm gà
- Cho gà ăn thức ăn có hàm lượng đạm quá cao trong những ngày đầu
- Gà bị nhiễm trùng hoặc viêm rốn khi mới nở
Biện pháp đề phòng lòng đỏ chưa tiêu ở gà con
Khi gặp đàn gà có tỉ lệ lòng đỏ không tiêu cao thì người chăn nuôi cần xem lại những phần đã nêu trên để có biện pháp can thiệp ngay khi gà mới vào chuồng úm. Bằng cách lưu ý những điều sau:
Trước khi gà vào chuồng
Đầu tiên là việc chọn lọc khi nhận gà con. Bạn chỉ nên nhận những con gà có trọng lượng tương đối đồng đều, rốn khô và sạch.
Tiếp theo là vệ sinh chuồng trại thật kỹ. Tối thiểu một tuần trước khi đưa gà về bạn cần làm tốt khâu vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và dùng các hóa chất sát trùng, như: vôi bột; iodin; vikok; Foocmol;… Mục đích là để phun sát trùng nền chuồng, tường chuồng nhằm tiêu diệt mầm bệnh phát sinh từ các lứa nuôi trước. Đặc biệt các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như cầu trùng, thương hàn gà,… Với những hộ chăn nuôi gà quy mô lớn từ 1000 con trở lên thì nên thiết kế riêng khu chuồng chuyên nuôi úm.
Dùng hệ thống bạt che xung quanh chuồng nhằm tránh thất thoát nhiệt. Rải chất độn chuồng bằng trấu, mùn cưa hoặc phôi bào dày từ 8 – 10cm, để giữ ấm. Ngoài ra, bạn cũng nên bật đèn sưởi hoặc các nguồn cung nhiệt khác để chuồng đủ ấm trước khi gà vào chuồng vài giờ.
Sau khi gà vào chuồng
Thời gian ủ ấm cho gà sẽ kéo dài từ 3 – 6 tuần. Trong giai đoạn này, bạn nên dùng chụp sưởi hoặc bóng điện để sưởi ấm cho gà con. Với nhiệt độ theo từng độ tuổi là:
- Từ 0 – 7 ngày tuổi là 31 – 32 o C
- Từ 8 – 21 ngày tuổi là 28 – 30 o C
- Từ 22 – 28 ngày tuổi là 22 – 28 o C.
Gà mới vào chuồng úm không nên cho ăn ngay. Thay vào đó, bạn để cho gà nghỉ ngơi trong vài giờ và chỉ cho uống nước. Trong nước nên pha thêm một số chất hỗ trợ như: đường glucose; vitamin C; Anti Stress; Acid-Pak4-Way;…
Thức ăn của gà cũng hạn chế có hàm lượng đạm cao trong 1-2 ngày đầu. Bạn chỉ cho ăn tấm hoặc bột bắp to trộn với một ít thức ăn của gà con. Đến ngày thứ 2-3 sẽ tăng dần lượng thức ăn chính thức của gà con để thay thế tấm và bột bắp.