Tôm hùm là đối tượng chăn nuôi chính của tỉnh Phú Yên trong 25 năm qua. Với sản lượng khoảng 700 tấn/năm; tạo cơ hội việc làm cho khoảng 6.000 lao động địa phương và thúc đẩy tăng trưởng sản xuất. Tuy nhiên, trước tình trạng ô nhiễm môi trường tại vùng nuôi trồng thủy sản hiện nay, Trung tâm Khuyến nông Phúc Yên đã triển khai việc chăn nuôi thủy sản theo mô hình nuôi tôm hùm thương phẩm kết hợp vẹm xanh và rong sụn tại các xã Xuân Thịnh, Xuân Phương và phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu). Mô hình đã giúp nông dân phát triển nuôi tôm hùm lồng bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Mục Lục
Triển khai mô hình nuôi tôm hùm kết hợp vẹm xanh, rong sụn
Mô hình nuôi tôm hùm kết hợp vẹm xanh, rong sụn không chỉ giúp bà con phát triển tôm hùm lồng bền vững, hiệu quả; mà còn giảm tình trạng gây ô nhiễm môi trường.
Đây là đề tài nuôi kết hợp đa đối tượng tôm hùm, vẹm xanh, rong sụn; với tỷ lệ ghép giữa tôm hùm, vẹm xanh, rong sụn là 2:25:30 (theo trọng lượng) của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III. Kết quả nghiên cứu cho thấy nếu nuôi ghép hàm lượng nitơ (N), phốt pho (P) tổng số trong nền đáy lồng sẽ thấp hơn nuôi đơn.
Xuất phát từ đề tài nghiên cứu trên, trong hai năm 2017 và 2018; Trung tâm Khuyến nông Phú Yên đã triển khai mô hình nuôi tôm hùm thương phẩm kết hợp vẹm xanh, rong sụn tại các xã Xuân Phương, Xuân Thịnh và phường Xuân Yên (TX. Sông Cầu).
Năm 2017 mô hình triển khai tại xã Xuân Phương đã hướng người nuôi theo quy trình nuôi thân thiện với môi trường; góp phần giảm thiểu ô nhiễm hữu cơ trong hoạt động nuôi tôm hùm. Hộ nuôi thu được lợi nhuận hơn 36 triệu đồng/100 con tôm hùm/10 m2.
Năm 2018, mô hình nuôi tôm hùm thương phẩm kết hợp vẹm xanh, rong sụn được triển khai ở phường Xuân Yên và xã Xuân Thịnh (TX. Sông Cầu) với 3 hộ tham gia, quy mô 35 m2.
Các hộ tham gia mô hình tăng trưởng lợi nhuận
Theo Trung tâm Khuyến nông Phú Yên, các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% chi phí mua con giống và được tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi tôm hùm thương phẩm kết hợp vẹm xanh, rong sụn; phòng trị một số bệnh thường gặp trên tôm hùm, ghi chép sổ nhật ký…
Con giống giao cho các hộ nuôi được thả vào ngày 3/8/2018; với số lượng 350 con. Tất cả con giống đều đạt chất lượng theo yêu cầu của mô hình. Vỏ sáng bóng, phần phụ (râu, phần phụ ngực, bụng) còn nguyên vẹn, trạng thái nhanh nhẹn; không mắc các bệnh nguy hiểm trên tôm hùm, khối lượng: 100g/con trở lên. Đối với giống vẹm xanh và rong sụn; các hộ dân tự đối ứng để thực hiện mô hình (vẹm xanh 438 kg, rong sụn 525 kg).
Qua 12 tháng nuôi, tỉ lệ tôm hùm sống đạt 85,7%. Khi thu hoạch trọng lượng tôm đạt trung bình 0,95kg/con; sản lượng đạt hơn 283kg. Bên cạnh đó, các hộ nuôi còn thu khoảng 300kg vẹm xanh, trị giá khoảng 9 triệu đồng. Và khoảng 50kg rong sụn, trị giá 500 ngàn đồng. Ngoài ra, vẹm xanh còn sử dụng làm thức ăn cho tôm. Qua đó giảm chi phí mua cá tạp.
Với giá bán tôm hùm trung bình 1,2 triệu đ/kg, sau khi trừ tất cả chi phí các hộ tham gia mô hình lãi hơn 39 triệu đồng.
Mô hình bền vững và thân thiện với môi trường
Tại hội nghị tổng kết mô hình này, đại diện ngành chức năng và người nuôi đánh giá, bên cạnh hiệu quả kinh tế mang lại, mô hình góp phần hướng người nuôi đến nghề nuôi tôm hùm bền vững, thân thiện với môi trường.
Ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên cho biết, qua 2 năm triển khai, mô hình đã góp phần tăng thu nhập cho hộ dân tham gia. Mặc dù lợi nhuận mô hình mang lại không cao do ảnh hưởng giá tôm thấp. Song góp phần nâng cao nhận thức của người nuôi…
“Tỷ lệ sống vẹm xanh, rong sụn chưa cao do thời tiết bất lợi, nắng nóng kéo dài; vùng nuôi có nhiều cá dìa ăn rong nên hao hụt. Do vậy, cần có biện pháp bảo vệ rong sụn tránh bị thất thoát bởi cá dìa. Như dùng rổ có bao lưới bên ngoài; xem xét thay thế vẹm xanh bằng nhuyễn thể khác để chủ động hơn về nguồn giống”, ông Tuấn khuyến cáo.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, để nuôi tôm hùm thành công cần chọn mua con giống ngay tại địa phương. Để đỡ tốn chi phí vận chuyển, tôm không bị sốc và thích nghi với điều kiện môi trường; sử dụng thức ăn có chất lượng tốt, các loại cá, giáp xác và nhuyễn thể phải còn tươi, được rửa sạch trước khi cho ăn; theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của tôm để phát hiện sớm bệnh và kịp thời điều trị…